Slideshow Image 1
Sắp xếp, đổi mới nông lâm trường: Bước chuyển tích cực về quản lý đất đai 

 
Ảnh minh hoạ

 
Việc sắp xếp, đổi mới và phát triển các nông lâm trường quốc doanh theo Nghị Quyết số 28- NQ/TW ngày 26/3/2003 và Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị đã làm rõ thêm một bước về đất đai trên sổ sách và trên bản đồ. Thực hiện chủ trương này, công tác quản lý, sử dụng đất của phần lớn các nông lâm trường trong cả nước đã có bước chuyển tích cực.
 

Hạn chế lấn chiếm, tranh chấp
Theo Báo cáo số 70/BC-CP của Chính phủ ngày 9/3/2015 về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất tại các nông lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004- 2014, đến nay tình trạng lấn chiếm, tranh chấp đất đai; cho thuê, cho mượn đất trái phép đã giảm, ở một số địa phương tình trạng này đã chấm dứt. Đây là kết quả đáng mừng nhất sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 28 của Bộ chính trị về sắp xếp, đổi mới nông lâm trường. Bởi thực hiện chủ trương rà soát và sắp xếp, công tác đo đạc bản đồ, xác định ranh giới, mốc giới và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại các nông lâm trường được quan tâm thực hiện. Đi đầu trong cả nước trong việc xác định ranh giới, mốc giới là các nông lâm trường ở 2 tỉnh Hà Tĩnh và Hòa Bình. 
Nhìn lại thực tế cách đây 10 năm, cả nước có tới 39 tỉnh, thành có nông trường bị lấn chiếm đất; 24 tỉnh thành có tranh chấp đất nông trường; 39 tỉnh thành có lâm trường bị lấn chiếm đất và 24 tỉnh thành có tranh chấp đất ở các lâm trường. Khi quá trình sắp xếp, đổi mới chưa được triển khai; tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất của các nông lâm trường trên toàn quốc diễn ra khá phổ biến. Nhiều trường hợp kéo dài và phức tạp. Tình trạng trên không được giải quyết, xử lý kịp thời và dứt điểm bởi tính chất và nguồn gốc sử dụng đất không rõ ràng. Cùng với đó, giai đoạn trước năm 2004, các nông lâm trường còn có tình trạng diện tích đất chưa sử dụng lớn; có biểu hiện vi phạm quản lý sử dụng đất… 
Thực hiện chủ trương sắp xếp lại các nông lâm trường đồng nghĩa với việc điều tra cơ bản và rà soát tổng thể đất đai của các nông lâm trường. Theo đó, các nông lâm trường đã thống nhất diện tích đất trên sổ sách và bản đồ. Đồng thời lập quy hoạch sử dụng đất theo thời kỳ và theo từng năm. Sau rà soát, các nông lâm trường đã bàn giao gần 532.000ha đất cho chính quyền địa phương quản lý để giao cho dân sử dụng. Thông qua đó đã giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất của người dân ở địa phương, góp phần giảm tình trạng lấm chiếm đất nông lâm trường.
Nâng cao hiệu quả sử dụng đất 
Hiện cả nước có 319 doanh nghiệp nông, lâm nghiệp (nông lâm trường trước đây) đã được sắp xếp lại, trong đó có 116 đơn vị Trung ương quản lý, 203 đơn vị do địa phương quản lý. Sau khi sắp xếp, các công ty nông, lâm nghiệp quản lý và sử dụng gần 2,8 triệu ha đất. Trong đó 74 công ty chuyển sang thuê đất theo quy định, với tổng diện tích 460 nghìn ha. Số doanh nghiệp và diện tích đất còn lại đang sử dụng dưới hình thức Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất. 
Đất đai tại các nông lâm trường được quản lý và sử dụng hiệu quả hơn sau khi rà soát là nhận định chung của các chuyên gia và các nhà quản lý. Bởi thông qua công tác rà soát, các nông lâm trường đều phải tiến hành xây dựng phương án sử dụng đất phù hợp với phương án sản xuất kinh doanh. Cũng sau quá trình ra soát, 88,88% diện tích đất của các công ty nông nghiệp và 61% đất của các lâm trường được đưa vào tổ chức sản xuất. Áp dụng hình thức này đã tạo ra những diện tích rừng liền vùng dễ quản lý, ngăn chặn được tình trạng tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất và đất bỏ hoang. 
Công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được quan tâm hơn, đặc biệt là trong 3 năm gần đây. Theo báo cáo của các địa phương, đến cuối năm 2014 cả nước có 264 công ty nông lâm nghiệp được cấp giấy chứng nhận với diện tích đã cấp giấy chứng nhận là 1.264.619ha, đạt 67% diện tích cần cấp. 
Điển hình trong việc quản lý và sử dụng đất hiệu quả phải nói đến Cty Lâm nghiệp Nam Đàn (tỉnh Nghệ An). CTy đã phối hợp với chính quyền địa phương giải quyết dứt điểm việc cho thuê, cho mượn 532ha đất. Hay như Cty lâm nghiệp Lộc Bình (tỉnh Lạng Sơn) đã xử lý dứt điểm 63ha đất sử dụng không đúng mục đích. Tùy vào điều kiện và đặc thù của từng địa phương, đại đa số các nông lâm trường đã áp dụng mô hình giao khoán đất phù hợp như theo chu kỳ kinh doanh, theo năm… với khoảng 30% diện tích. 
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT) - Lê Văn Lịch nhận định: việc rà soát, sắp xếp lại các nông, lâm trường luôn gắn liền với việc rà soát lại đất, tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai để đảm bảo quản lý, sử dụng tài nguyên đất một cách chặt chẽ, hiệu quả và phát triển bền vững.

Bích Đào


 (Nguồn: monre.gov.vn)
[Quay lại]
Các tin liên quan