Ngày 9/5/2023, Đảng ủy Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Sở Tài nguyên và Môi trường nhiệm kỳ 2020-2025 dưới sự chủ trì của các đồng chí trong Ban thường vụ Đảng ủy Sở Tài nguyên và Môi trường.
Tham dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Lê Minh Hương, chuyên viên Ban Tuyên vận, Đảng ủy Khối các cơ quan Doanh nghiệp tỉnh; Các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Sở; Bí thư, Phó Bí thư các chi bộ trực thuộc và toàn thể Đảng viên.
|
Đồng chí Đinh Thế Mạnh- Phó Bí thư Đảng ủy phát biểu khai mạc Hội nghị.
|
Nửa nhiệm kỳ qua, Đảng bộ Sở Tài nguyên và Môi trường lãnh đạo thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, thường xuyên củng cố kiện toàn tổ chức Đảng; lực lượng đảng viên của Đảng bộ ngày càng lớn mạnh về số lượng và chất lượng, qua đó nâng cao sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên trong toàn Đảng bộ.
Bên cạnh đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành các hoạt động của Đảng bộ Sở Tài nguyên và Môi trường có nhiều đổi mới, tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá của tỉnh. Nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và người dân trong việc sử dụng và bảo vệ tài nguyên môi trường đã có nhiều chuyển biến tích cực, sự chấp hành của các tổ chức và cá nhân tham gia các hoạt động về Tài nguyên và môi trường dần đi vào nề nếp. Những kết quả đó đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường, tạo niềm tin và uy tín trong thu hút đầu tư cũng như góp phần phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, ổn định xã hội.
Về quản lý nhà nước về đất đai, đo đạc bản đồ đã tham mưu: (1) Tham mưu có hiệu quả, kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý nhà nước về đất đai; tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 – 2030 và Kế hoạch sử dụng đất các năm 2021, 2022, 2023 của 11/11 huyện thành phố; (2) Tham mưu triển khai việc lập Kế hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2025 tỉnh Hà Giang; (3) Hoàn thành xây dựng phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai trong quy hoạch tỉnh; (4) Công tác giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất: tham mưu trình quyết định cho thuê đất đối với 28 tổ chức với diện tích là 751,4178; giao đất cho 26 tổ chức với diện tích là 189,78ha; gia hạn thời gian sử dụng đất cho 02 tổ chức với diện tích là 173,84; thu hồi đất của 32 tổ chức với diện tích là 537,744ha. Giải quyết tháo gỡ kịp thời các vướng mắc GPMB các dự án trọng điểm như: dự án đường cao tốc Hà Giang – Tuyên Quang; dự án Chuỗi liên kết trồng, chế biến, thương mại các sản phẩm giá trị cao từ dược liệu và nông sản tại thôn Quán Dín Ngài, thị trấn Đồng Văn và thôn Mà Lủng, xã Tả Phìn, huyện Đồng Văn của Công ty cổ phần dược liệu Bông Sen Vàng; dự án Khu Papiu – Lũng Hồ 2 tại thôn Cáp 2, xã Lũng Hồ, huyện Yên Minh của Công ty cổ phần truyền thông Hoa Sao …; (5) Phối hợp thực hiện đo đac bản đồ, lập hồ sơ địa chính cho các địa phương trong tỉnh. Đến nay 159/193 phường, xã, thị trấn của 11 huyện thành phố trên địa bàn tỉnh đã được đo đạc bản đồ, lập hồ sơ địa chính với tổng diện tích 119.056,29 ha; xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính cho 52/193 xã, phường, thị trấn; (6) Hoàn thành việc xác định ranh giới, cắm mốc giới, lập hồ sơ địa chính đất có nguồn gốc từ nông lâm trường theo Nghị quyết số 112/2018/QH13 ngày 27/11/2015 tại 11 Ban quản lý rừng trên địa bàn tỉnh.
Về quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn đã tham mưu xây dựng Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045[1]; ban hành Quy định tỷ lệ quy đổi từ số lượng khoáng sản thành phẩm ra số lượng khoáng sản nguyên khai làm căn cứ tính phí BVMT trên địa bàn tỉnh[2]; phương án bảo vệ cát, sỏi lòng sông chưa khai thác trên địa bàn tại Quyết định số 2162/QĐ-UBND ngày 19/10/2021; hoàn thành việc khoanh định các khu vực cấm, khu vực tạm cấm hoạt động khoáng sản cát sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh; Trình UBND tỉnh phê duyệt bổ sung tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với 33 dự án khai thác khoáng sản và 20 quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường với số tiền trên 11,5 tỷ đồng; trả lại 02 giấy phép khai thác khoáng sản; phê duyệt 12 đề án đóng cửa mỏ và quyết định đóng cửa mỏ tại 06 mỏ khoáng sản; thu hồi 01 giấy phép khai thác khoáng sản; Trong nữa đầu nhiệm kỳ đã thu nộp từ hoạt động khoáng sản là hơn: 670 tỷ đồng. Xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 25/9/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khí tượng thủy văn đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; trình UBND tỉnh phê duyệt danh mục hồ, ao, đầm không được san lấp trên địa bàn tỉnh; phê duyệt kết quả Điều tra, đánh giá số lượng, chất lượng tài nguyên nước dưới đất và xác định ngưỡng giới hạn khai thác nhằm bảo vệ tài nguyên nước dưới đất trên địa bàn tỉnh; hoàn thành việc xây dựng hệ thống mạng quan trắc, giám sát tài nguyên nước tỉnh Hà Giang phục vụ quản lý tổng hợp tài nguyên nước; cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước sông nội tỉnh cấp 3,4,5; thực hiện điều tra khoanh định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh; điều tra, đánh giá, lập và ban hành danh mục nguồn nước nội tỉnh trên địa bàn tỉnh Hà Giang.
Về công tác bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu tham mưu tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của BCH Trung ương về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Tham mưu, xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 21/01/2021 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Chỉ đạo tăng cường công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị, giảm thiểu rác thải nhựa; vệ sinh môi trường nông thôn, bảo vệ môi trường làng nghề. Hằng năm, giao chỉ tiêu cụ thể về tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị cho UBND các huyện, thành phố. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt khu vực đô thị duy trì đạt 95%; Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, thanh tra, kiểm tra từ đầu nhiệm kỳ đến nay tiếp tục được chú trọng, đã triển khai 9 cuộc thanh trachuyên ngành về quản lý sử dụng đất, khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường đối với 20 đơn vị; tổ chức kiểm tra 32 cuộc; Công tác cải cách hành chính có nhiều chuyển biến tích cực các quy trình giải quyết TTHC được chuẩn hóa, đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh…..; Công tác quốc phòng an ninh được củng cố….
Trong nửa cuối nhiệm 2020 – 2025, Đảng bộ Sở Tài nguyên và Môi trường tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị, các chỉ tiêu kế hoạch của ngành và các khâu đột phá, nhiệm vụ trong tâm theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Trong đó tiếp tục thực hiện quản lý chặt chẽ và nâng cao hiệu quả nguồn tài nguyên đất, hoàn thiện các cơ chế quản lý đất đai, xây dựng bảng giá đất kịp thời, phù hợp, thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất theo thị trường đảm bảo công khai, minh bạch, góp phần tăng thu ngân sách địa phương từ nguồn tài nguyên đất. Hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai toàn tỉnh; Kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, vận chuyển, chế biến khoáng sản theo quy định của pháp luật; tham mưu đóng cửa mỏ khoáng sản đã hết giấy phép khai thác; Tăng cường công tác quản lý tài nguyên nước, đảm bảo an ninh nguồn nước, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước, ngăn chặn suy giảm tài nguyên nước; tăng cường công tác quản lý bảo vệ môi trường, công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh...
Các hình ảnh tại hội nghị: