Slideshow Image 1
HỘI NGHỊ THÁO GỠ KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC TRONG QUÁ TRÌNH THỰC HIỆN DỰ ÁN TỔNG THỂ HỒ SƠ ĐỊA CHÍNH VÀ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2023 

Ngày 18/3/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án tổng thể theo Quyết định số 3977/QĐ-UBND ngày 24/11/2008, được điều chỉnh tại các Quyết định số 504/QĐ-UBND ngày 03/4/2012 và Quyết định 1463/QĐ-UBND ngày 24/8/2020 của UBND tỉnh Hà Giang và triển khai một số nhiệm vụ năm 2023 của ngành tài nguyên và môi trường.

Hội nghị do đồng chí Đinh Thế Mạnh - Quyền Giám đốc sở chủ trì, tham gia hội nghị có các đồng chí Phó Giám đốc Sở, Chánh thanh tra sở và Trưởng phòng Quản lý đất đai, Tài chính Kế hoạch, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường 11 huyện, thành phố; Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh và Giám đốc các Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai các huyện, thành phố và các đơn vị trực thuộc sở cùng tham dự. Đồng chí Quyền Giám đốc sở khai mạc hội nghị và gợi ý các nội dung thảo luận. 

Sau 13 năm thực hiện (từ năm 2009 đến hết năm 2022), được sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố tập trung lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ của Dự án. Kết quả thực hiện đo đạc lập bản đồ địa chính đến 31/12/2022, đạt 78,74%. Tổng số xã đã hoàn thành 160/193 xã, phường, thị trấn với tổng diện tích đo đạc theo các tỷ lệ 1/500, tỷ lệ 1/1000 và tỷ lệ 1/2000; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đến 31/12/2022, đạt 44,04% tổng số xã cụ thể xã đã hoàn thành 85/193 xã, phường, thị trấn. Xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính cho 54 xã.

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện dự án còn vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án so với Nghị quyết Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ; chất lượng sản phẩm bản đồ địa chính còn tình trạng sai sót, hồ sơ đăng ký kê khai còn thiếu thông tin phải bổ sung, chỉnh sửa. Những hạn chế nêu trên có nhiều nguyên nhân như: công tác thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đơn vị tư vấn chưa tập trung nhân lực, trang thiết bị thực hiện hợp đồng với Sở, năng lực chuyên môn của đơn vị tư vấn còn hạn chế; quá trình thực hiện còn nhiều bất cập trong công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp và các đơn vị trong và ngoài sở liên quan; công tác ký và phát giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do các huyện thực hiện còn chậm; kinh phí thực hiện hàng năm chưa đáp ứng được nhiệm vụ được giao.


Hội nghị thảo luận với không khí sôi nổi, dân chủ, đầy trách nhiệm đã có 18 ý kiến tham gia, tập trung các vướng mắc như: Việc lồng ghép bản đồ sử dụng để cấp giấy chứng nhận trước đây với bản đồ địa chính để xác định thửa đất đã được cấp giấy chứng nhận so với bản đồ địa chính gặp rất nhiều khó khăn, chỉ xác định được vị trí tương đối của các thửa đất đã được cấp giấy chứng nhận lên bản đồ địa chính, cá biệt có một số thửa đất không xác định được vị trí trên bản đồ địa chính ranh giới các thửa đất khi lồng ghép không trùng khớp, diện tích các thửa đất trên bản đồ địa chính so với bản đồ dùng để cấp giấy chứng nhận trước đây có chênh lệch lớn về diện tích, có sự khác nhau về loại đất.

Việc lập hồ sơ cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận chiếm tỷ lệ nhỏ, một số thửa đất ở trên bản đồ cấp giấy chứng nhận trước đây chỉ thể hiện thửa đất với diện tích bằng hoặc nhỏ hơn 400 m2 ở vị trí độc lập nhưng khi đo đạc bản đồ không tách riêng thửa đất ở mà đo gộp thành thửa đất có vườn ao do đó khi lập hồ sơ cấp đổi, cấp lại vướng mắc về diện tích, loại đất; một số thửa đất sản xuất nông nghiệp, đất ở nằm chồng lấn vào thửa đất lâm nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận nhưng bản đồ chưa được chỉnh lý do đó khi lập hồ sơ cấp đổi phần diện tích chồng nhau; Bản đồ, các loại sổ sách liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trước đây có một số bị thất lạc do đó thiếu cơ sở để xác định thửa đất đã được cấp giấy chứng nhận với bản đồ địa chính; Trường hợp bị mất GCN do hỏa hoạn nhưng không khai báo, không thu thập được thông tin của giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bị mất; các thửa đất thời kỳ cũ cấp nhầm chủ sử dụng, một thửa đất có nhiều chủ sử dụng từ trước đến nay nhưng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp đứng tên một người; các hộ sử dụng đất không lấn chiếm nhưng diện tích tăng so với bản đồ hiện trạng do xác định lại ranh giới, hoặc do tính lại diện tích đề nghị công nhận phần diện tích tăng cho các hộ gia đình; trường hợp các hộ gia đình tự đổi đất cho nhau nhưng chưa làm thủ tục; một số hộ mới tách hộ xây dựng nhà ở trên các diện tích đất khác nhưng chưa làm thủ tục chuyển đổi; sự phối hợp trong công tác kê khai đăng ký giữa vị tư vấn, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đao, Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND xã chưa chặt chẽ và đồng thuận dẫn đến chậm trong việc thẩm định hồ sơ...

Kết luận hội nghị, đồng chí Quyền Giám đốc sở chỉ đạo giao cho Trưởng phòng Quản lý đất đai tổng hợp, phân loại từng nội dung vướng mắc, khó khăn và kiến nghị của phòng Tài nguyên và Môi trường, các huyện thành phố, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai, các đơn vị tư vấn và tham mưu văn bản cho lãnh đạo sở giao cho từng đơn vị nghiên cứu và có văn bản hướng dẫn để các huyện, thành phố và đơn vị tư vấn thực hiện, hàng tháng các đơn vị thực hiện tốt chế độ báo cáo; đồng thời, giao Văn phòng sở tham mưu tổ chức tập huấn công tác thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đơn vị tư vấn, chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai các huyện, thành phố trong tháng 4/2023 nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án tổng thể hoàn thành kế hoạch đã được UBND tỉnh giao cho Sở tài nguyên và Môi trường năm 2023 và các năm tiếp theo./.

(Tin bài: Trịnh Lan - Phòng QLĐĐ)


 

 


 (Nguồn: Sở Tài nguyên và Môi trường)
[Quay lại]
Các tin liên quan